Sa Huỳnh (Berlin): CON ĐƯỜNG THOÁT... ĐỂ SỐNG
"Chính tại nơi này em để ý và yêu Thúy. Bởi thấy cô bé dịu dàng kín đáo, ít chuyện trò với ai. Ngoài ra nhờ có chút nhan sắc nên có nhiều đàn ông tìm cách tán tỉnh. Chính điều này mới khiến thằng đàn ông háo thắng như em, muốn ra tay chinh phục... ".
Tôi tình cờ gặp Tú Hiệp. Một chàng trai phong độ, tròn 47 tuổi, người Nghệ An. Chúng tôi ngồi bên nhau trò chuyện, mời nhau uống bia: "Thú thật với anh Sa Huỳnh, em thích uống rượu hơn uống bia, vì bia làm to bụng, xấu đi dáng người. Anh biết không, trong bàn nhậu, đôi khi chỉ với vài đứa bạn, chúng em 'cưa' hết vài chai Chivas Whisky là chuyện bình thường. Còn với bia, một chai thôi là em ngưng ngay."
À ra thế, hèn chi khi nhìn Tú Hiệp banh hết áo ra khoe người, bụng đâu tôi không thấy, chỉ thấy bắp thịt cuồn cuộn, từ ngực đến đôi tay gân guốc. Thế nhưng khi nhìn đôi mắt hơi ửng đỏ của chàng ta, tôi thấy từ ấy ngầu lên... sắc rượu, còn đọng lại sau những ngày Tú Hiệp "đụng độ" say vùi.
À ra thế, hèn chi khi nhìn Tú Hiệp banh hết áo ra khoe người, bụng đâu tôi không thấy, chỉ thấy bắp thịt cuồn cuộn, từ ngực đến đôi tay gân guốc. Thế nhưng khi nhìn đôi mắt hơi ửng đỏ của chàng ta, tôi thấy từ ấy ngầu lên... sắc rượu, còn đọng lại sau những ngày Tú Hiệp "đụng độ" say vùi.
Tú Hiệp trong sân nhà tác giả Sa Huỳnh.
Tôi mời một cốc rượu, rót từ chai Wodka đặt trong tủ đá. Tú Hiệp ực một hơi, khà một tiếng, rồi nhìn tôi: "Anh thừa biết vùng Nghệ An bọn em nghèo xơ xác, 'chó ăn đá, gà ăn muối' như thế nào rồi. Bố em mất sớm, trút gánh nặng gia đình trên đôi vai gầy guộc của mẹ em. Em có 4 người em gái. Vì là con trai duy nhất trong nhà, em ý thức rất rõ trách nhiệm của mình, luôn luôn nhức đầu lo nghĩ, tìm cách phụ mẹ nuôi sống đàn em, giúp mẹ thoát khỏi cảnh nghèo đói."
Năm 1998, sau khi xong lớp 12, em định đi vào bộ đội, thế nhưng lại đổi ý, đi vào Vũng Tàu ở miền Nam, tìm cách vượt biên. Ở đó một thời gian, ý nguyện không thành, em lại quay về chốn cũ, tìm đường dây đi qua Âu Châu. Một tổ chức đòi em 7500 Đô-la. Trả trước 6000, còn 1500 sẽ đưa nốt khi mọi việc thành công.
Em nhớ vào tháng 11 Âm lịch, thời gian cận Tết năm 1998, tổ chức gọi báo lên đường. Em chào từ giã mẹ. Hứa với mẹ sẽ cố gắng bằng mọi cách để làm giàu khi đến xứ người. Sẽ bỏ đi hết những chuyện yêu đương trai gái. Gạt hết những buồn khổ cô đơn. Chịu đựng khó khăn cùng những thử thách nghiệt ngã để vươn lên. Hứa sẽ xây cho mẹ và các em một nơi chốn ăn ở đàng hoàng, thay cho cái nhà tranh vách nát, đang xiêu vẹo hiện nay.
Mẹ ngồi yên bất động, sụt sùi đôi dòng nước mắt. Rồi mẹ lại đứng lên, định tìm cái gì nấu cho em ăn. Thấy mẹ đi loanh quanh nhưng không tìm thấy gì, em gạt ngang, bảo mẹ không cần nấu, vì con cũng không còn nhiều thời gian để chuẩn bị. Nghe thế, mẹ lại ngồi xuống khóc.
Tối đó 6 người, gồm 4 nam và 2 nữ, được đưa ra sân bay Nội Bài. Điểm đến đầu tiên là Mos-Cơ-Va ở nước Nga. Bất ngờ tại sân bay em gặp lại Phượng, một người con gái tương đối xinh xắn, mà trước đó bọn em đã có tình cảm với nhau. Phượng và cô bạn tên Hằng cũng mừng vui ra mặt. Còn những anh bạn khác- Hòa, Lâm, Hải, Dũng - đang trong một tâm trạng hồ hởi được ra đi, dù biết tương lai còn có vô vàn khó khăn đang chờ đợi.
Tại sân bay "bọn đường dây" đưa mỗi người một cái va-li nhờ xách giùm. Em thừa biết trong đó có những thứ gì. Chẳng hạn món thịt cầy thì không thể thiếu. Ngoài ra còn có quần bò, hay các thứ đồ "đặc biệt" khác, họ tuồn qua Nga để đi buôn. Em không đồng ý xách. Viện dẫn lí do là việc này không nằm trong hợp đồng. Thế là em gây gỗ nhau với họ. Người trưởng đoàn gọi điện ngay cho "xếp", xin lệnh giải quyết vấn đề với một tay đang "cứng đầu".
Em loáng thoáng nghe qua cuộc điện đàm: cho "thằng này" đi tiếp, hay trả tiền lại và loại ngay ra khỏi danh sách?
Em không biết "xếp" hắn nói những gì, mà chỉ nghe hắn, tay cầm điện thoại, hết đổi bên tai này lại đổi sang tai khác, đi tới đi lui trông vô cùng chóng mặt, rồi gật đầu "dạ, vâng" liên tục.
Sau đó có lẽ thấy em nhất quyết từ chối. Thấy máu giang hồ của em nổi lên thành hung dữ. Bặm trợn to tiếng tại sân bay, nên họ đành để em đi. Trong khi những người khác phải cắn răng chịu đựng, khệ nệ xách cái va-li to tướng, nặng trịch với nội dung hoàn toàn "bí ẩn".
Đến Nga, bọn em được sắp vào ở chung với những người khác đã đến trước. Tất cả khoảng 80 người. Mọi việc ăn, ngủ, sinh hoạt chung trong một căn phòng chật hẹp. Ngày hôm đó họ mua gà về giao cho cánh phụ nữ nấu nướng, chiên xào... Thế là cả phòng được một bữa ăn thịnh soạn.
Em nói thịnh soạn vì thời ấy ở miền Bắc, nhất là tại vùng Nghệ An, bọn em ăn được thịt gà là một bữa cỗ xa xỉ, sang trọng. Mãi sau này em mới biết, gà bên Tây là một loại thực phẩm rẻ vô cùng. Thế nhưng ngày ấy, cắn được miếng thịt gà trong miệng, nhất là sau một chặng đường phiêu lưu dài đầy mệt mỏi, hương vị ngọt ngào trong cổ họng đã làm em rưng rưng nước mắt, nhớ đến mẹ và các em gái đang thiếu thốn ở quê nhà.
Tối đó em nhớ nhà nên không ngủ được, đi ra hành lang phía bên ngoài. Trong ánh sáng lờ mờ, em nhận ra Phượng đã ra ngồi đó tự bao giờ. Mái tóc dài rủ xuống bên bờ vai. Em ngồi xuống bên nàng. Nàng nhoẻn miệng cười khi em đưa bàn tay vuốt nhẹ lên mái tóc.
Thú thật với anh, lúc ấy em đã ngất ngây vì mùi thơm da thịt con gái. Con người đàn ông của em như đang hồi tỉnh lại, sau một chuyến đi mệt nhoài. Hơi thở em bổng nhiên dồn dập và người cứ nóng dần lên. Em có cảm giác người Phượng cũng như thế. Nàng ngả người, áp mặt vào trong cánh tay cuồn cuộn bắp thịt của em.
Khi em luồn tay ngang vòng ngực nóng của nàng, bổng nhiên em nhớ đến những người em gái của mình đang nằm ngủ bên mẹ, trong căn nhà dột nát ở quê nhà. Rồi những gì em đã hứa với mẹ trước khi ra đi, lại vang lên bên tai, lúc đầu còn văng vẳng, sau đó cứ to dần, theo từng nhịp thở hổn hển của Phượng.
Em kịp buông tay ra, đứng phắt dậy đi vào trong. Phượng ngạc nhiên nhìn theo trong ánh sáng lờ mờ, rồi vội vàng cài lại hàng nút áo đang hở hang.
Ba ngày sau, năm thằng con trai bọn em được lệnh chuyển trại, đi về thủ đô Kiev của Ukraine. Phượng và Hằng phải ở lại. Em thừa biết số phận 2 cô gái này sẽ như thế nào, khi bị giữ lại trong tay những người đàn ông đang nắm quyền lực nơi xứ lạ. Em buồn khổ lắm, nhưng đành cắn răng để lên đường. Sau này nghe kể lại, em thấy những điều em đoán đã không sai. Nhưng phải nuốt tủi hờn vào trong lòng.
Chúng em vượt qua những cánh rừng mênh mông tuyết phủ. Trời lạnh 27 độ âm. Năm thằng con trai chúng em như năm con người tuyết, trắng xóa vì tuyết phủ khắp người. Nếu chiếc xe đến đón bọn em chỉ cần chậm hơn một tiếng, thì tất cả chúng em đã chết vùi thây giữa lòng tuyết lạnh mênh mông.
Trong 4 ngày ở trại Kiev là 4 ngày trong địa ngục trần gian. Đó là một khu nhà vắng trong rừng, gồm 2 tầng cho khoảng 450 con người ở. Tầng trên có 5 phòng chứa 300 người đủ các chủng tộc như Syrien, Pakistan, Afghanistan, vân vân. Tầng dưới có 3 phòng chứa 150 người Việt.
Vì đông người và đông chủng tộc nên tình hình sinh hoạt rất hỗn độn và phức tạp. Cãi nhau, đánh nhau là chuyện thường ngày. May là không có chém giết gây án mạng. Lý do vô cùng đơn giản và tồi tệ. Chẳng hạn vì tranh nhau chỗ ngủ. Giành nhau miếng ăn. Hoặc tức nhau vì... nhìn đểu. Choảng nhau vì gái cũng thường xảy ra. Chính em cũng đã va chạm và dính vào nhiều vụ, lẩn quẩn cũng vì những cái lý do đơn giản và tồi tệ đó.
Ở nơi đó, các chị em phụ nữ rất khổ tâm khi đi vào nhà vệ sinh. Nói là nhà vệ sinh cho oai, chứ thật ra đó là một góc phòng hớ hênh sau cánh cửa. Hầu hết chị em phụ nữ đều bị tấn công tình dục khi... hành sự. Người tấn công thường là dân cư đàn ông ở tầng trên. Nhóm 13 người của bọn em có 5 phụ nữ - Thúy, Xinh, Hà, Mây và Mỹ. Em được Xinh đề nghị làm người bảo vệ. Nhiệm vụ kè kè đi theo, khi các chị em có nhu cầu. Sau đó em kiên nhẫn chờ trước cánh cửa. Em đứng khoanh tay, dạng háng, làm vẻ mặt ngầu ngầu, sắc khí như của một đại ca chém thuê, khiến các tay phá rầy sợ hãi tránh xa. Sau đó em lại kè kè đi về chỗ an toàn, thế là xong nhiệm vụ.
Chính tại nơi này em để ý và yêu Thúy. Bởi thấy cô bé dịu dàng kín đáo, ít chuyện trò với ai. Ngoài ra nhờ có chút nhan sắc nên có nhiều đàn ông tìm cách tán tỉnh. Chính điều này mới khiến thằng đàn ông háo thắng như em, muốn ra tay chinh phục.
Những lần kè kè theo Thúy đến nơi để nàng... hành sự, em có cơ hội tiếp cận và bày tỏ tình yêu. Thúy xiêu lòng, vì thấy ở em một sự che chở an toàn. Dù yêu nhau, nhưng chúng em chỉ hôn nhau qua quít, hay cầm tay nhau kín đáo mà thôi. Chuyện chung chạ thì hoàn toàn không có cơ hội, bởi nơi đó đông người và tình hình phức tạp, nguy hiểm. Nhiều tay đàn ông ghen tức sẽ đập em chết lúc nào chẳng hay, thì làm sao giữ trọn được lời hứa với mẹ lúc ra đi.
Sau 4 ngày khổ cực ở thủ đô Kiev, 13 người bọn em lại được lệnh tiếp tục lên đường, đến vùng biên giới phía Tây của Ukraine. Chúng em vào ở căn nhà của bà Olisa. Nhà bà có 2 phòng, một phòng chứa 25 người Việt, còn phòng kia dành cho 25 người từ các nước khác. Nơi đây là địa bàn tam giác quan trọng, cửa ngõ để vượt vào Slowakei, từ đó sẽ xuyên vào nước Áo, Tiệp hay Ba Lan, rồi thẳng đường qua Đức.
Thế nhưng ở mãi đó đến vài tháng, chúng em mới được báo lên đường qua biên giới. Ngày ấy đúng là một ngày vui vẻ và xúc động, vì mục đích đến vùng đất hứa đã cận kề. Tất cả 50 con người phờ phạt, cùng tham gia một chiều văn nghệ bỏ túi, hát đủ loại nhạc tùy hứng, với mọi thứ tiếng cho nhau nghe, xem như chia tay và sẽ không bao giờ còn gặp lại.
Đêm đó chúng em vượt rừng. Lệnh không cho đốt lửa. Những con đường ngoằn ngoèo tuyết phủ, tưởng chừng như vô tận. Thời tiết lạnh thấu xương tủy. Một đôi lần bão tuyết ập đến. Chỉ trong vòng vài mươi phút thôi, nhưng có thể chôn lấp hết cả đoàn lữ hành. Khi cơn bão qua đi, mọi người cố sức đẩy lớp tuyết để đứng bật dậy, gọi ơi ới tìm nhau trong đêm tối. Lần nào cũng thế, em vội vã đạp trên các lớp tuyết dày để tìm Thúy. Bế xốc nàng lên. Vuốt nhanh những mảng tuyết bám đầy trên cơ thể. Vui mừng vì biết nàng chẳng bị gì.
Đến một con suối, nước chảy róc rách, em lại cõng nàng trên vai. Nước cạn đến ngang đầu gối nhưng lạnh khủng khiếp, bàn chân em tê cứng. Qua bên kia suối, em ngả xuống vì đôi chân không còn cảm giác. Thúy phải ôm đôi chân em vào lòng để sưởi ấm, xoa bóp để máu không ngừng đọng.
Thế nhưng chẳng may cuộc vượt rừng đi về phía Tây đã không thành. Bọn em bị phát hiện, toán lính biên phòng lên đạn bắn dọa liên tục, chạy xua đuổi rầm rập, bắt buộc chúng em phải quay nhanh về phía bên sau biên giới. Về lại chỗ cũ bằng con đường khác, đỡ gian nan hơn, nhưng ai cũng rũ rượi, thất vọng và buồn. Khí thế vui nhộn lúc "xuất quân" đã lịm tàn trong buồn nản.
Chúng em lưu lại và chờ đợi ở đó hết 6 tháng trời, lại được đưa về ở một nhà vắng ngoài rừng, của một thợ săn người Nga. Những đêm trăng sáng nhìn ra rừng, thấy những bầy chó sói hung dữ đi lang thang tìm mồi mà lo sợ, chẳng ai dám ra khỏi nhà. Hai tháng mòn mỏi ở đó, bọn em đếm từng ngày từng tuần.
Một buổi sáng, hai người thợ săn đến, dắt theo 4 con chó và vài khẩu súng. Họ đi trên chiếc xe thùng to, giống như xe chuyên chở bệnh nhân của các nhà thương. Nhóm em 13 người được lệnh thu dọn đồ đạt cá nhân thật gọn gàng, nhanh chóng lên xe.
Vào bên trong em mới biết, đây là loại xe họ bố trí đặc biệt để đưa người. Em và 4 người chui qua một cái lỗ con, leo lên nằm ngửa trên tầng trần. Chỗ nằm cho năm người này vô cùng chật chội, mũi chúng em sắp đụng vào trần xe lạnh ngắt, gần như ngạt thở. Nhóm 8 người kia thu mình chui xuống nằm ở tầng đáy xe. Trong xe là chỗ chứa bầy chó săn để ngụy trang.
Chúng em "lên đường" vào lúc khoảng 10 giờ sáng. Xe lắc lư đi hơn 12 tiếng đồng hồ. Băng qua những đoạn đường quanh co gồ ghề. Mọi người rên rỉ mà không dám kêu to, vì sợ bị lộ. Em cắn răng chịu đựng mỗi lần trán va vào trần. Đầu em đau buốt như muốn vỡ tung. Thân mình ê ẩm khắp nơi, không thể cựa quậy hay trở mình.
Thỉnh thoảng xe cũng đỗ lại vài nơi. Hai người thợ săn, khi thì ghé vào quán, khi thì họ thả bầy chó ra ngoài. Mở toang cửa để bọn em hít không khí mát. Giả vờ đi săn để qua mắt lính biên phòng.
Đó là những giờ phút thần tiên đối với bọn em, dù phải nằm yên bất động trong "hầm bí mật". Mọi người tranh thủ thở và ngủ cho lại sức, dù chỉ vài ba mươi phút.
Khi qua được biên giới, vào nước Slowakei, em nhìn đồng hồ thấy đúng 11 giờ đêm. Người đau nhức nhưng vô cùng vui sướng, lẩm bẩm trong mồm: "Mẹ ơi, con đã đến nơi, sau gần 10 tháng xa mẹ để phiêu lưu về miền đất hứa. Con đã vượt qua bao gian khổ cùng thử thách và còn sống sót mẹ ơi."
Em không biết mẹ có biết niềm vui sướng của em, qua "thần giao cách cảm" hay không? Thế nhưng em cảm thấy rất ấm áp trong lòng, thấy hình ảnh mẹ cùng mấy đứa em, mỉm cười qua lưng tròng nước mắt.
Đến một khu rừng vắng, chúng em được lệnh rời khỏi "hầm trú ẩn". Được phép đi loanh quanh, vận động cơ thể vài tiếng đồng hồ để lấy lại cân bằng cho cơ thể. Hai người thợ săn nghiêm ngặt bảo mọi người không ai được rời xa, rất nguy hiểm, vì khu này có nhiều loại heo rừng rất dữ tợn, có thể tấn công và giết chết cả các con nai to.
Khi mọi người tản đi mọi hướng gần đấy, em nắm tay Thúy băng nhanh qua những lùm cây dẻ rậm rạp, dưới ánh trăng lờ mờ.
Đi gần 30 phút, em nhìn thấy một cái chòi gỗ cao hoang vắng. Với tất cả sức mạnh còn lại của một thằng đàn ông, em ôm Thúy leo lên thoăn thoắt. Sau khi đặt nàng nằm trên sàn gỗ phủ một màn tuyết mỏng, em như một con thú hoang đang đói khát men tình, choàng lên nằm phủ kín trên người nàng... Rồi cái chòi cao rung lên từng nhịp, như trong cơn gió mạnh, liêu xiêu như sắp ngã... Sàn gỗ dưới lưng nàng vang lên những tiếng răng rắc như sắp bị nghiền nát.
Thú thật với anh, lúc ấy em không còn biết gì xảy ra ở chung quanh. Cả cái lạnh khủng khiếp trên gác lạnh, đang bao quanh hai thân mình trần trụi. Chúng em đang xoắn chặt vào nhau, dưới ánh trăng mờ đục, chiếu xuyên qua những khu rừng đen, phân chia hai vùng biên giới.
Nghe Tú Hiệp kể tới đoạn "hừng hực" đó, tôi đổ hết cả mồ hôi trán, hơi thở cũng dồn dập, nên bảo chàng ta ngừng, viện cớ lấy chai Wodka lạnh từ tủ đá, rót vào hai cái ly trước mặt, mời nhau.
Cũng như lần trước, Tú Hiệp đưa lên miệng ực liền một hơi, mím môi khà một tiếng: "Em cũng muốn ngừng câu chuyện ở đây. Chỉ thêm chi tiết là sau đó em cùng 5 người bạn - Hòa, Lâm, Hải, Dũng, Xinh - vào nuớc Đức, một số vào Ba-Lan và Tiệp. Hiện nay theo em biết tin, Thúy đã có gia đình êm ấm và hạnh phúc, là vợ một đại gia người Việt ở Ba-Lan."
Nói xong Tú Hiệp móc trong ví ra một bài thơ, chìa cho tôi xem để biết thêm niềm tâm sự. Bài thơ này chàng viết tặng Thúy, đã gởi đăng báo bên Tiệp ở Plzen:
Chiều buồn gió lạnh nhòa sương
Lòng rưng rức nhớ chặng đường đã qua
Gặp em nơi cảnh xót xa
Yêu em nơi cảnh "lệ nhòa ướt mi"
Để rồi "người ở kẻ đi"
Em miền bên ấy, anh thì ở đây
Trải qua những tháng năm dài
Sầu ôm một mối tình này tựa sông
Thiếu em tím cả chiều Đông
Xa em Xuân cũng cháy lòng mà thôi
Bây giờ sương lạnh xuống rồi
Nhớ người năm ấy nay thời ở đâu?
Nghe rằng em đã làm dâu
Vui vầy bên ấy còn đâu nhớ gì
Trách mình mãi mối tình si
"Rừng khuya gác lạnh" nghĩa gì nữa đâu
Lặng mình với nỗi xót đau
Có đôi bươm bướm buổi chiều bay xa
(Tú Hiệp - Plzen)
Chờ tôi đọc xong bài thơ đầy nhớ thương tha thiết, chàng nói tiếp, dọng trầm ngâm: "Thật sự em đã không giữ lời hứa với mẹ về chuyện yêu đương, thế nhưng em đã giúp mẹ thoát khỏi cảnh nghèo. Em đã xây nhà cho mẹ, đó là một cơ ngơi sang trọng trên một khu đất khang trang, rộng 400 mét vuông. Cái cổng vào to đùng, chạm trỗ công phu như dẫn vào một dinh thự. Em cũng xây cho mẹ một hồ chứa nước mưa khổng lồ, dự trữ nước dùng cho mùa khô. Trong hồ nước em làm những đường rãnh với kỹ thuật đặc biệt, giúp các chú chuột lỡ có vào trong đó cũng tìm được ngõ thoát ra, không phải chết chìm trong bể nước."
Thấy tôi gật đầu thán phục, Tú Hiệp nhìn tôi mỉm cười, rồi gật gù ra vẻ triết lý: "Anh Sa Huỳnh ạ, em không dám 'múa rìu qua mắt thợ' với anh, nhưng em nghĩ, dựa theo những gì em đã trải nghiệm: 'lũ chuột' cũng giống như 'lũ người', tất cả đều cần một con đường thoát... để sống, đúng không anh?"
Bài và ảnh: Sa Huỳnh
Berlin, 04.08.2016
http://nguoiviet.de/van/Sa-Huynh-Berlin-CON-DUONG-THOAT-DE-SONG-35284.html
(Vì lý do tôn trọng đời tư nên tên các nhân vật đã được thay đổi trong bài viết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét